Việc bảo dưỡng và bảo trì xe cơ giới một cách chuyên nghiệp đúng theo quy định của nhà sản xuất, như thông qua dịch vụ khách hàng, là điều cần thiết để giữ sự an toàn khi vận hành cũng như để duy trì quyền lợi bảo hành xe.
Để thực hiện điều này, nhà sản xuất đưa ra những kế hoạch bảo trì và danh mục phụ tùng thay thế cũng như hướng dẫn sửa chữa. Những thông tin này được cung cấp trong cẩm nang sửa chữa, trong những tấm vi phim hay trong các chương trình cho máy tính cá nhân được điều khiển bằng trình đơn.
Bảo trì bao gồm các công việc:
• Kiểm tra. Thí dụ như các quy trình kiểm tra
• Bảo dưỡng. Thí dụ như thay dầu, bôi trơn, làm sạch
• Tu sửa. Thí dụ sửa chữa, thay thế
Dịch vụ khách hàng : Nhà sản xuất và xưởng sửa xe cung cấp dịch vụ khách hàng một cách chuyên nghiệp. Thí dụ như việc chuẩn bị cho lần vận hành đầu tiên của xe đúng quy định để bàn giao xe cho khách hàng. Tiếp theo là những công việc bảo trì xe do nhân viên có chuyên môn thực hiện mà người lái xe không thể tự thực hiện được. Những biện pháp cần thiết để đảm bảo chức năng và giá trị của xe được nhà sản xuất ghi trong những quy định bảo trì. Những quy định này được xác định trong kế hoạch bảo dưỡng và bảo trì.
Người ta phân biệt những chu kỳ dịch vụ sau:
• Chu kỳ dịch vụ cố định (kế hoạch bảo dưỡng)
• Chu kỳ dịch vụ linh động
• Chiến lược dịch vụ hợp với nhu cầu
Công việc bảo dưỡng, bảo trì và kiểm tra phải được thực hiện theo những kế hoạch đã được đề ra. Việc thực hiện những công việc này phải được ghi trong quy trình kiểm tra và có chữ ký xác nhận của nhân viên thực hiện.
Kế hoạch bảo dưỡng
Kế hoạch này chứa đựng thông tin về những dịch vụ định kỳ và thời điểm kiểm tra, thí dụ sau 20.000 km hay sau 12 tháng vận hành, phải thực hiện một lần kiểm tra tổng quát. Quy trình kiểm tra quy định phạm vi kiểm tra (Hình 1)
Chu kỳ dịch vụ linh động
Với hệ thống quản lý động cơ hiện đại, chu kỳ dịch vụ có thể được xác định phù hợp với điều kiện vận hành của xe. Khi đến thời điếm kiểm tra, người lái xe được thông báo trước qua bảng hiển thị (Hình 1). Ở xưởng sửa xe, công việc được thực hiện theo quy trình kiểm tra (Hình 1).
Chu kỳ thay dầu. Có thể tính bằng hai cách:
• Cơ sở dữ liệu gián tiếp, là số đo chất lượng của dầu được tính từ quãng đường đã đi, số nhiên liệu đã tiêu thụ và biểu đồ nhiệt độ của dầu theo quãng đường.
• Tình trạng dầu thực tế, lượng dầu còn trong máy và chất lượng dầu được xác định nhờ cảm biến mực dầu cùng với quãng đường đã đi và độ tải của động cơ.
Tình trạng hao mòn bố phanh. Sự hao mòn bố phanh được giám sát bằng điện. Khi bố phanh đạt tới giới hạn mòn thì mạch công tắc trong bố bị ngắt. Từ số lần phanh, thời gian sử dụng phanh cũng như số km đã đi, máy tính xác định đoạn đường lý thuyết còn đi được, khoảng thời gian phải thay bố phanh và thông báo cho người lái xe.
Tình trạng hao mòn bộ lọc không khí trong xe. Việc tính thời gian còn sử dụng được của bộ lọc bụi và phấn hoa dựa trên cơ sở dữ liệu của cảm biến đo nhiệt độ bên ngoài, việc sử dụng máy sưởi, việc dùng quạt không khí, vận tốc chạy, tốc độ quay của quạt gió, số km và ngày tháng.
Nguyên liệu vận hành như nước làm mát và dầu phanh được thay theo thời gian vận hành, thí dụ sau hai hoặc bốn năm.
Chiến lược dịch vụ theo nhu cầu
Thời điểm thực hiện dịch vụ được tính trên cơ sở những dữ liệu thu thập được như tình trạng hiện tại của xe cũng như thói quen của người lái. Theo chiến lược dịch vụ theo nhu cầu này, việc bảo dưỡng chỉ được thực hiện khi có một bộ phận bị hao mòn hay một nguyên vật liệu vận hành đã hết tuổi đời và cần thay thế.
Điểm mới là, máy tính trên xe truyền trực tuyến những dữ liệu của khách hàng và quy mô dịch vụ được lưu trên chìa khóa xe đến xưởng sửa xe. Như vậy người tư vấn khách hàng có đủ thời gian để đặt mua những bộ phận thay thế cần thiết, thí dụ như bố phanh và sắp xếp với khách hàng thời điểm thích hợp.
Nhận biết sớm các vấn đề có thể phát sinh giúp tránh được việc sửa chữa xe do hư hỏng. Những ưu điểm khác là:
• Thời điểm được hoạch định chính xác
• Không phải chờ đợi
• Không bị mất thông tin
• Dịch vụ linh động