Image default
Công nghệ Ô tô

Chăm sóc xe

Trong khi vận hành, thân vỏ xe không những chịu ảnh hưởng của lực cơ học mà còn của thời tiết khắc nghiệt. Do đó cần phải chăm sóc thân vỏ xe, lớp sơn và bên trong xe.
Trong việc chăm sóc xe người ta phân biệt:
• Rửa động cơ • Rửa đáy sàn xe
• Rửa sạch bên ngoài • Làm sạch bên trong
1. Rửa động cơ
Nước bắn vào, dầu hay nhiên liệu rò rỉ có thể kết hợp với bụi thành một màng chất bẩn có dầu ở khoang động cơ. Chất bẩn này nên được tẩy sạch định kỳ vì nó có thể gây ra dòng điện rò ở hệ thống đánh lửa hay bình ắc quy.
Phương pháp : Đầu tiên khoang động cơ đựợc phun chất tẩy lạnh. Chất này cần một thời gian nhất định để phát huy tác dụng và chất bẩn bắt đầu tan ra. Ở những chỗ khó tiếp cận, có thể dùng bàn chải để làm sạch lại (Hình 1). Sau đó chất bẩn được rửa sạch bằng máy rửa cao áp. Tránh để nước lọt vào những bộ phận điện và các giắc nối. Vì vậy phải giữ máy rửa cao áp ở khoảng cách tối thiểu (khoảng 30 cm) để không làm hư hại những bộ phận này. Sau khi rửa sạch, dùng không khí nén làm khô động cơ và khoang động cơ. Cuối cùng, chúng phải được bảo quản bằng một loại sáp đặc biệt để chống rỉ.

2. Rửa bên dưới sàn xe
Trước khi rửa bên dưới sàn xe, phải kiểm tra bằng cách quan sát kỹ. Ở đây phải chú ý đến những chỗ hở như ở bộ giảm chấn, ở những chỗ đệm kín của động cơ và bộ truyền động, hay ở những ghép nối ốc vít của đường dẫn phanh. Khi rửa bên dưới sàn xe, muối hoặc chất bẩn đóng cứng được loại bỏ bằng vòi rửa cao áp. Người ta cũng có thể rửa bên dưới sàn bằng một chương trình rửa đặc biệt của thiết bị rửa xe. Sau đó, xem xét cẩn thận một lần nữa về những hư hại ở lớp bảo vệ bên dưới sàn xe.

3. Rửa sạch bên ngoài
Rửa sạch bên ngoài bao gồm việc rửa sạch bánh xe (vành bánh xe và lốp xe), rửa mặt ngoài của thân vỏ xe và xử lý với vật liệu chăm sóc sơn và chất dẻo cũng như rửa sạch kính.
Bánh xe : Chất bẩn trên đường và bụi phanh bám trên bánh xe. Những chất cặn này ăn mòn lớp sơn. Sự bạc màu đó rất khó xử lý.
Rửa sạch vành bánh xe :
Vành bánh xe chịu ảnh hưởng của nhiều loại tác động khác nhau của môi trường (mưa, tuyết, đá vụn, muối v.v…) (Hình 2). Khi lớp sơn vành bánh xe bị hư hại, sự thâm nhập của nước và chất bẩn sẽ dẫn đến ăn mòn. Đặc biệt là bụi phanh nóng ăn vào bề mặt sơn sinh ra những lỗ nhỏ. Lớp sơn bị ăn mòn từ phía dưới, sinh ra những vết đốm và những hư hại không sửa chữa được. Do đó, đặc biệt những vành bánh xe kim loại nhẹ phải được rửa sạch mỗi hai đến bốn tuần bằng chất rửa vành bánh xe. Những vết xước phải được sửa chữa.

Những chất rửa vành bánh xe được phân thành :
Chất rửa vành có acid : Chất rửa này được sử dụng khi bánh xe đặc biệt dơ bẩn. Nó có tính ăn mòn rất cao và không thích hợp sử dụng thường xuyên. Lớp sơn ở vành bánh xe không được phép bị hư hại, vì acid phản ứng với kim loại.
Chất rửa vành không acid : Chất rửa này ít ăn mòn hơn và vì vậy thích hợp cho việc tẩy rửa thường xuyên. Tác dụng rửa sạch kém hơn đáng kể.

Chăm sóc lốp xe
Chất bẩn có thể làm lốp xe xỉn màu. Vì vậy lốp xe nên được xử lý bằng chất bảo dưỡng riêng. Nhờ đó lốp có được độ bóng và có thể ngăn chặn được những vết nứt nhỏ gây ra bởi ảnh hưởng của ozon và oxy.

Rửa bên ngoài xe
Là cơ sở cho tất cả những biện pháp bảo quản sơn tiếp theo. Người ta phân biệt :
• Rửa tại trạm rửa xe tự động
• Rửa thủ công
• Rửa với vòi rửa cao áp
Rửa tại trạm rửa xe tự động
Trước khi rửa xe nhất thiết nên rửa trước với vòi rửa áp suất cao. Điều này tránh việc cát và bụi có thể gây ra vết xước trên lớp sơn.
Các loại trạm rửa được phân biệt như sau:
Đường rửa xe : Xe được chuyển bằng một băng chuyền qua những bàn chải quay nằm ngang hay thẳng đứng.
Cổng rửa xe (Hình 1) : Xe đứng yên khi rửa và một cổng với các chổi ngang và thẳng đứng được dẫn trên đường ray chạy qua xe.

Thiết bị rửa gồm những bàn chải bằng chất dẻo quay tròn và những dải bằng vải hay bọt nhựa xốp để rửa sạch xe với nhiều nước và chất rửa xe. Đối với xe mới với lớp sơn mềm, phải dùng thiết bị bằng vải vì bàn chải bằng chất dẻo có thể làm hư hỏng lớp sơn. Trong tất cả các trạm rửa xe, sau công đoạn rửa, xe được rửa lại với nước sạch đã được khử calci và muối. Thông thường xe được phun thêm chất bảo quản sơn (sáp phun), sau đó được thổi khô bằng luồng gió.

Rửa thủ công
Đây là phương pháp tốn nhiều công sức nhất, có thể thực hiện với một miếng bọt biển và nhiều nước hay với một vòi rửa áp suất cao. Chất bẩn bị tẩy rửa khỏi xe và những bộ phận của xe và nước rửa xe có chứa dầu và mỡ. Không được phép để nước thải này chảy trực tiếp vào ống thoát nước. Vì vậy nên rửa xe ở những nơi đặc biệt. Nước bẩn được lọc sạch qua những hệ thống lọc như chắn bùn, bộ lọc kết tụ và lọc dầu.

Rửa bằng vòi rửa áp suất cao
Công việc rửa xe với vòi áp suất cao được thực hiện qua nhiều bước (Hình 1):
Rửa trước : Đầu tiên chất bẩn được làm bong ra và mềm đi bằng vòi phun áp suất cao ở khoảng cách khoảng 50 cm. Sau đó chất bẩn được tẩy rửa kỹ lưỡng từ trên xuống dưới với vòi phun áp suât cao ở khoảng cách gần.
Rửa với bọt xà phòng và bàn chải : Sử dụng bàn chải với bọt xà phòng để rửa xe. Bàn chải được chà nhẹ nhàng lên bề mặt xe.
Rửa sạch : Bọt xà phòng được rửa sạch với vòi phun áp suất cao từ trên xuống dưới.
Bảo dưỡng : Để bảo vệ bề mặt có thể phun thêm lớp sáp cứng bảo quản bằng vòi phun áp suất cao.
Rửa bóng : Để rửa bóng dùng nước đã được khử khoáng chất lấy từ hệ thống khử calci ở nơi rửa xe. Nước khô trong vòng vài phút và không để lại vết loang. Qua đó tiết kiệm được việc lau khô bằng da.

Chăm sóc lớp sơn
Do ảnh hưởng bên ngoài, lớp sơn phủ có thể bị hư hại và mất đi tác dụng bảo vệ cũng như vẻ đẹp bề ngoài. Những ảnh hưởng làm hư hại lớp sơn gồm có:
• Tác động cơ khí
• Ảnh hưởng của thời tiết và môi trường
• Chất hóa học ăn mòn
• Lỗi chăm sóc

Tác động cơ khí : Đá vụn và các vết xước lớn có thể phá hủy lớp sơn đến tận lớp kim loại. Tác động mài mòn của bụi và chất bẩn trong khi rửa xe cũng gây ra nhiều vết xước nhỏ, làm giảm độ bóng của lớp sơn.
Ảnh hưởng của thời tiết và môi trường : Nhiệt độ và ánh sáng mặt trời làm giãn lớp sơn và khiến nó trở nên xốp theo thời gian. Chất gây hại xâm nhập vào những lỗ nhỏ ở bề mặt và phá hoại lớp sơn ở cả những lớp bên dưới. Chất kết nối trên bề mặt sơn bị thoái hóa do ảnh hưởng của tia uv trong ánh sáng mặt trời và lớp sơn mất đi độ bóng.
Chất hóa học ăn mòn : Các chất này có thể là chất bài tiết có tính ăn mòn của chim và những loài vật khác (ong) (Hình 2). Nhựa cây rơi trên xe cũng có thể làm hư sơn tận đến lớp trong cùng.

Kiểm soát tình trạng lớp sơn
Sau khi rửa xe, tình trạng lớp sơn có thể được kiểm tra. Ở nơi lớp sơn bị hư hại nặng, cần phải làm sạch lớp sơn hoặc đánh bóng xe.

Có thể nhận ra tình trạng lớp sơn bằng những phương pháp đơn giản như:
• Kiểm tra bằng mắt
• Thử bằng nước
• Thử bằng lưng móng tay
Kiểm tra bằng mắt : Kiểm tra xem độ sáng bóng bị những lớp mờ hay những vết xước nhỏ ảnh hưởng như thế nào dưới ánh sáng. Một lớp sơn mờ và nhạt phải được đánh bóng hay bảo quản tùy trường hợp.
Thử bằng nước : Đổ một ít nước lên trên bề mặt lớp sơn và quan sát xem nước biểu hiện như thế nào. Hạt nước nằm lại trên lớp sơn càng tròn và càng có dạng viên ngọc thì lớp sơn càng được chăm sóc tốt. Vớị lớp sơn bị thời tiết làm xói mòn, nước sẽ chảy lan ra khắp bề mặt.
Thử bằng lưng móng tay : Khi dùng lưng móng tay quét lên lớp sơn, qua lực cản bề mặt của lớp sơn láng, ta sẽ nhận ra lớp sơn trong tình trạng tốt hoặc nhám hoặc cần phải được chăm sóc.

Qua kiểm tra có thể phân biệt ba tình trạng của lớp sơn:
Lớp sơn mới hoặc trong điều kiện tốt : vẫn giữ sự bóng láng lúc đầu. Khi thử bằng lưng móng tay ta không cảm thấy sự cản trở. Trên bề mặt nước tạo thành hạt nước lăn xuống.
Lớp sơn không sáng : Độ bóng của lớp sơn giảm đi. Khi thử bằng lưng móng tay ta thấy sự cản trở nhẹ.
Lớp sơn mờ nhạt và bị thời tiết xói mòn : Không còn bóng láng nữa. Khi thử bằng lưng móng tay ta cảm nhận rõ ràng sự cản trở. Nước không tạo thành giọt mà chảy trên toàn bề mặt.
Chọn lựa chất chăm sóc sơn
Với chất chăm sóc sơn, người ta phân biệt giữa chất tẩy bột nhão, chất bảo quản sơn và chất làm bóng (Hình 1).

Sử dụng chất chăm sóc sơn
Những chất bẩn nhỏ và bám cứng có thể được làm sạch bằng chất tẩy bột nhão. Cách tẩy sạch cẩn thận này giúp giữ được sự bóng láng của lớp sơn và tránh được việc dùng chất tẩy sạch ăn mòn.

Lớp sơn còn mới
Lớp sơn còn mới có bề mặt rất láng và hầu như không hư hại. Lớp sơn này chưa hóa cứng hoàn toàn, vì vậy không được dùng chất làm bóng. Chỉ cần rửa xe kỹ lưỡng và cuối cùng phủ lớp sáp bảo vệ xe. Chất này được phun lên sau khi rửa sạch xe, cung cấp cho lớp sơn sự bảo về đầy đủ cho đến kỳ rửa xe kế tiếp. Tuy nhiên tác dụng bảo vệ của loại sáp này ít hơn nhiều so với chất bảo quản (sáp cứng). Cách bảo vệ này không giữ được lâu do đó nên sử dụng mỗi lần rửa xe.

Lớp sơn không sáng
Lớp sơn này không còn sức đề kháng và phải được xử lý với chất đánh bóng. Lớp sơn trên cùng được mài đi bằng những đĩa mài hạt rất nhỏ, để lộ ra lớp sơn bên dưới chưa bị hư hại. Chất đánh bóng sơn phải tác động vừa đủ lên bề mặt sơn mà không mài mòn và gây ra những vết xước. Vì vậy chất làm bóng chứa những hạt làm bóng rất mịn chỉ có tác dụng mài tối thiểu. Dầu và sáp được trộn thêm tái tạo độ bóng cho lớp sơn. Cuối cùng phần sót lại của chất đánh bóng đã khô phải được loại bỏ bằng một giẻ mềm hay khăn đánh bóng. Việc làm bóng có thể thực hiện bằng tay hay với máy đánh bóng. Sau đó bề mặt nhất thiết phải được bảo quản bằng sáp cứng.

Lớp sơn mờ nhạt và bị thời tiết xói mòn
Đó là lớp sơn ở những xe đã cũ bị ảnh hưởng mạnh của thời tiết và môi trường. Sức bền của lớp sơn suy giảm, vì vậy lớp sơn phải được đánh bóng. Để đánh bóng người ta dùng chất rửa sạch sơn. Chất này đi vào những lỗ hổng của lớp sơn ngoài và loại đi chất bẩn. Bề mặt sơn đã bị ăn mòn nghiêm trọng và nhám được mài đi bằng dụng cụ đánh bóng có hạt tương đối lớn (Hình 1).

Những hạt sơn được mài đi và để lộ ra lớp sơn tốt.
Bảo quản : Chất bảo quản phủ kín bề mặt. Nó lấp đầy những vết nứt nhỏ đến khoảng kích cỡ như sợi tóc, nhờ đó độ ẩm không thể xâm nhập được vào lớp sơn để gây nên rỉ sét. Những chất bảo quản sơn thông thường được bán trên thị trường (Hình 2) thường có Silicon hay sáp tự nhiên (sáp camauba). Những loại sáp cao cấp bảo đảm bảo vệ bề mặt nhiều tháng. Sự bảo vệ này vẫn còn sau nhiều lần rửa xe.

Bảo quản những phần chất dẻo
Chất dẻo bạc màu : Nguyên nhân là do lão hóa, tác động của tia uv và rửa xe (Hình 3). Những bộ phận chất dẻo như nẹp viền xe và thanh giảm xóc có thể được gia công bằng chất chăm sóc chất dẻo đặc biệt.
Rửa sạch kính
Kính bẩn tạo ra nguy cơ tai nạn rất lớn vì tầm nhìn bị ảnh hưởng. Chỉ một lớp bẩn nhẹ trên kính cũng có thể dẫn đến sự phản xạ không mong muốn. Chất bẩn trên kính có thể được loại trừ nhanh và không để lại vằn sọc bằng chất rửa kính đặc biệt.

Lỗi chăm sóc : Rửa thân vỏ xe quá thường xuyên với thuốc rửa và chất chăm sóc xe không thích hợp cũng như sử dụng chất làm bóng có tính ăn mòn có thể làm lớp sơn và các bộ phận chất dẻo bị hư hại nặng. Chất tẩy côn trùng khi để tác dụng quá lâu có thể làm sơn bạc màu.
4. Rửa sạch bên trong
Rửa sạch bên trong bao gồm các công việc sau :
• Dùng máy hút bụi hút sạch sàn xe và khoang hành lý.
• Dùng máy hút bụi hút sạch ghế ngồi và những lớp bao bọc.
• Nếu cần thiết, lau trần xe bằng một miếng bọt biển ướt.
• Lau sạch kính phía trong.
• Lau những bộ phận bằng nhựa như bảng khí cụ, lớp bọc cửa .v.v… bằng giẻ thấm ướt chất tẩy rửa chất dẻo.
Có thể loại bỏ vết bẩn ở đệm, vải che, sàn thảm hay tấm để chân bằng những chất tẩy rửa đặc biệt như chất rửa đệm, dung dịch kiềm xà phòng hay chất sùi bọt khô. Để loại bỏ những chất bẩn khó tẩy, có thể sử dụng máy hút ướt đặc biệt, còn được gọi là máy phun hút.

Bài viết liên quan

Hệ thống kỹ thuật xe cơ giới

phu-tt

Xe cơ giới

phu-tt

Vật liệu vận hành, vật liệu phụ

phu-tt

Bảo dưỡng và bảo trì xe cơ giới

phu-tt

Bộ phận lọc trong xe cơ giới – cấu tạo và bảo dưỡng

phu-tt